Ban quản lý tòa nhà chung cư cao tầng là gì?
Ban quản lý căn hộ chung cư là đơn vị tiến hành mọi quản lý và vận hành nhà chung cư, thông qua hợp đồng với Ban quản trị tòa nhà chung cư (nếu tòa nhà chung cư có ban quản trị chung cư), hoặc đối những chủ đầu tư của chung cư (nếu tòa nhà chung cư không có ban quản trị chung cư) để thực hiện nhiệm vụ quản lý và vận hành mọi hoạt động của tòa nhà.
Chủ Đầu tư có thể trực tiếp quản lý vận hành nhà chung cư hoặc ủy thác cho một đơn vị khác có đủ điều kiện khi chưa tổ chức được Hội nghị nhà chung cư. Sau khi tổ chức được hội nghị, thì Ban quản trị nhà chung cư sẽ ký Hợp đồng dịch vụ quản lý với Chủ đầu tư hoặc đơn vị khác có đủ điều kiện.
Mỗi tòa nhà chung cư dù có quy mô lớn hay nhỏ đều cần thành lập một ban quản lý nhà chung cư.
Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của ban quản lý nhà ở chung cư cao tầng
- Thu phí quản lý vận hành nhà chung cư hàng tháng của cư dân theo quy định của hợp đồng đã được ký kết.
- Chi trả chi phí cho các hoạt động, dịch vụ của chung cư, theo mức tiền mà hội nghị nhà chung cư đã quyết định, thu tiền điện, nước,… của người sử dụng (nếu có); xử lý các trường hợp không nộp, chậm nộp phí dịch vụ và theo quy định của Quy chế quản lý đã được thông qua trong Hội nghị nhà chung cư.
- Ban quản lý vận hành chung cư có thể được hưởng thêm các khoản thu khác tại nhà chung cư như khai thác các dịch vụ cộng thêm (quảng cáo thang máy, cho thuê bãi đậu xe taxi, các khoản thu khác,…) đã được thông qua tại hội nghị.
- Được quyền tạm ngừng cung cấp các dịch vụ hoặc đề nghị đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp điện, nước, năng lượng,…đối với những trường hợp sau: chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đã được thông báo bằng văn bản theo quy định của hợp đồng nhằm yêu cầu họ nộp kinh phí quản lý vận hành và kinh phí khác nhưng chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư vẫn chưa nộp lại cho ban quản lý nhà.
- Thực hiện đầy đủ, cam kết đảm bảo đúng số lượng chất lượng các công việc theo quy định được ghi trong hợp đồng quản lý căn hộ chung cư. Bao gồm cả công việc ủy quyền (nếu có), ghi chép và gửi báo cáo cho Ban quản trị về tiến độ công việc, kết quả thực hiện.
- Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả công việc của nhân viên. Nếu có bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho Ban quản trị chung cư hoặc bên thứ ba thì Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải chịu trách nhiệm.
- Kiểm tra, giám sát việc quản lý hệ thống kỹ thuật vận hành liên quan đến hoạt động của chung cư bao gồm: hệ thống thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống máy phát điện dự phòng, máy bơm nước, vệ sinh, môi trường,…
- Ban quản lý nhà chung cư phải cam kết, đảm bảo mọi hoạt động quản lý và vận hành hệ thống kỹ thuật nhà chung cư theo đúng khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
- Được quyền khai thác sử dụng các dịch vụ khác tại nhà chung cư để tăng thêm doanh thu và ban quản lý phải chia sẻ khoản doanh thu này với Ban quản trị nhà chung cư theo quy định tại hợp đồng góp phần xây dựng quỹ cộng đồng phục vụ lợi ích chung của tòa nhà, của cư dân.
Lưu ý: Mọi hoạt động của ban quản lý nhà chung cư đều phải được thông qua trong Hội nghị nhà chung cư nhằm đảm bảo lợi ích của cả chủ đầu tư và người sử dụng sở hữu chung cư.
Quy định về chức năng, năng lực của đơn vị quản lý căn hộ, nhà ở, chung cư cao tầng
Doanh nghiệp, tổ chức được thành lập phải hoạt động theo quy định của pháp luật về Luật doanh nghiệp hoặc Luật hợp tác xã đối với chức năng quản lý vận hành nhà chung cư hoặc chức năng quản lý bất động sản.
Phải có tối thiểu các phòng hoặc bộ phận chuyên môn nghiệp vụ bao gồm kỹ thuật, bảo vệ, an ninh, lễ tân, vệ sinh môi trường đảm bảo chung cư hoạt động với hiệu quả tốt nhất.
Các thành viên Ban giám đốc và các cán bộ làm việc trong các phòng, bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của công ty, doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn tương ứng với vị trí công việc và phải có Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng.
Thủ tục đăng ký quản lý vận hành nhà chung cư
Để đăng ký quản lý căn hộ chung cư, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ những loại giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Bản sao chứng thực).
- Quyết định thành lập các phòng hoặc bộ phận chuyên môn nghiệp vụ (Bản sao chứng thực).
- Danh sách cán bộ của các phòng, bộ phận.
- Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư của các thành viên Ban giám đốc, các trưởng, phó phòng, bộ phận và các trưởng, phó ca kỹ thuật, nghiệp vụ của đơn vị (Bản sao chứng thực).
Cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết thủ tục đăng ký quản lý nhà chung cư: Bộ Xây dựng, cụ thể là Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản. Thời gian làm thủ tục là 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ (lưu ý không tính ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ được nghỉ theo quy định của nhà nước,…).